Sách: Người Truyền Ký Ức

Hello Beauties,

Dạo gần đây tốc độ đọc sách của Isa có hơi chậm lại, một phần vì khá bận (không muốn ngụy biện đâu) và đang ôm một cuốn non-fiction khá là dày thành ra tốn thời gian. Từ đầu tháng tới giờ mình chỉ đọc xong mỗi cuốn Người Truyền Ký Ức thôi. Truyện thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, tuy mình không hạp với thể loại này lắm nhưng thấy nhiều người khen nên cũng tò mò mua về đọc thử. Người Truyền Ký Ức khá ngắn, dễ đọc nhưng lại có rất nhiều vấn đề đáng để suy ngẫm. Mình cũng hơi bất ngờ khi cuốn này được liệt vào thể loại truyện dành cho thiếu nhi. Chắc cũng giống như mấy bộ phim của Pixar, con nít coi thì thấy vui, giải trí, nhưng người lớn xem lại thấm vô cùng.

Tóm tắt nội dung

Bối cảnh diễn ra tại một khoảng thời gian khá xa trong tương lai, ở cái Thời Kỳ Đồng Nhất, nơi những bất trắc đều được loại trừ, không chiến tranh, không thời tiết xấu hay cái ác nói chung. Con người cứ sống và làm việc để cống hiến cho cộng đồng. Trong cái cộng đồng đó, mỗi người đều có một chức vụ (nghề nghiệp) riêng, trẻ con đến năm thứ 12 thì sẽ được trao cho một Nhiệm vụ, và chỉ sẽ làm đúng mỗi cái công việc đó đến cuối đời. Cậu bé Jonas trong truyện cũng đã tới cái tuổi trưởng thành, mang trong mình cái tâm trạng vừa háo hức vừa e sợ trước buổi lễ lên Mười Hai tuổi. Trẻ con trong cộng đồng đều được theo dõi kỳ càng để trao cho Nhiệm Vụ phù hợp, cô bạn Fiona thích quan tâm chăm sóc người già thì được làm tại Nhà Dưỡng Lão, hay cậu bạn Asher vui tính của Jonas thì nghiễm nhiên trở thành Trợ Lý Giám Đốc Giải Trí. Tuy nhiên, Jonas thì đặc biệt hơn cả, cậu được vinh dự nhận lấy chức danh Người Tiếp Nhận Ký Ức, công việc “cao cấp” nhất và cũng “cô độc” nhất tại cộng đồng. Cậu được huấn luyện bởi Người Truyền Ký Ức (tức Người Tiếp Nhận đương nhiệm – có hơi rối não ha) và được trải nghiệm những mảnh ký ức rất chân thật từ quá khức, rất xa xưa, trước cả Thời Kỳ Đồng Nhất. Thông qua những chuyến đi chớp nhoáng đó, Jonas được cảm nhận niềm vui sướng, sự mất mát, đau thương và tất nhiên không thể thiếu được tình yêu. Tất cả để cậu nhận ra rằng cái cộng đồng mà cậu đang sinh sống, nó tuy trật tự nhưng nhàm chán, rất êm ả mà lại lắm hiểm nguy.

Cảm nhận sau khi đọc

Mình cảm thấy giọng văn của Lois Lowry trong truyện khá đều, chỉ thật sự kịch tính vào chương cuối của truyện. Nhưng mình thấy cái sự bình bình đó nó phù hợp với cái lối sống của cộng đồng này. Mỗi thứ đều có trình tự, ai làm việc nấy, chẳng ai xâm phạm ai. Bạn sẽ bị coi là khiếm nhã nếu chạm tay vào người không thuộc “tổ gia đình”, cho dù có là bạn thân của nhau đi chăng nữa. Cái từ “tổ gia đình” nghe nói mới lạnh nhạt làm sao, nhưng quả thật đúng là như vậy, một cái gia đình được tạo nên từ những người xa lạ, ba mẹ đến với nhau thông qua những thuật toán được tính toán kỹ lưỡng, con cái thì được nhận nuôi vì đó là trách nhiệm với cộng đồng. Khi chúng lớn thì ba mẹ lại trở thành người dưng, mạnh ai nấy sống. Đến khi hết sức lao động thì dành những tháng ngày cuối đời trong Nhà Dưỡng Lão, chờ ngày được “phóng thích”. Cái thế giới hoàn mỹ một cách máy móc đó, mình nghĩ với nhiều người nó sẽ rất lý tưởng. Thật vậy, không nạn đói, không tội ác (nếu có cũng nhanh chóng bị phóng thích), mọi người sống hạnh phúc với nhau trọn đời và mãi mãi – yeah Happy Ever After luôn đó. Nhưng, có thật như vậy không?

Nửa đầu truyện mọi thứ diễn ra rất tự nhiên, trong lúc đọc truyện mình vẫn tưởng tưởng ra một cái xã hội bình thường, chỉ hơi máy móc một tí thôi. Tác giả làm cho chúng ta cảm thấy yên tâm với cái thế giới mới này, tuy cũng có đôi chỗ cảnh giác nhưng không đáng bận tâm. Tất nhiên, cái gì nó yên ả quá, ẩn bên dưới cũng đầy rẫy sự xáo trộn. Mọi thứ liền quay ngược 180 độ từ nửa phần sau, khi Jonas lần lượt bóc tách từng lớp giả dối của cái cộng đồng này, mình cũng như cậu, chỉ biết lặng câm vì sốc. Chi tiết Người Truyền Ký Ức nói cho Jonas biết khả năng đặc biệt của cậu là nhìn thấy màu sắc, cái tưởng tượng của mình về cái cộng động này gần như vỡ thành từng mảnh. Một cái thế giới không có màu sắc, trắng đen như phim đen (noir). Lúc đó mở ngược lại cái bìa mới thấy ý đồ thiết kế thật sự hay, gửi đến Nhã Nam một tràng pháo tay luôn. Và mình còn trầm cảm hơn nữa khi gần cuối còn được tiết lộ là cái cộng đồng đó chả có cả âm nhạc. Sao mà nó có thể nhạt nhẽo đến như vậy.

Nếu mọi thứ đều như nhau thì sẽ không có lựa chọn nào cả! Cháu muốn thức dậy vào buổi sáng và quyết dịnh mọi thứ! Một cái áo trùm màu xanh, hay cái màu đỏ?

Jonas

Cái vấn đề được tác giả đưa ra rất hay, bạn không thể có tất cả mọi thứ, nếu bạn muốn cái này thì phải lựa chọn đánh mất cái kia. Không muốn có sự phân biệt, hãy loại bỏ hết màu sắc, sợ người ta ganh ghét, cho tình yêu vĩnh viễn biến mất, bởi nếu không yêu thì làm sao biết hận. Họ có ti tỉ cách để khiến cái cộng đồng trở nên “tốt đẹp” và “hoàn hảo” hơn. Từ việc bày ra một đống luật lệ lằng nhằng cho những thứ cỏn con nhất, hay lạm dụng thuốc men để ức chế đi nỗi đau và cả sự rung động. Dĩ nhiên, nếu bạn không biết gì cả thì cũng chẳng cần phải đòi hỏi chi cho cực hết. Và mình cảm thấy cái đáng sợ của xã hội này nằm ở chỗ đó, mình sẽ không bàn về những vấn đề chính trị (đã được nhiều nước thực hiện từ rất xưa, ví dụ loại bỏ chữ viết và văn hóa của một dân tộc), nhưng để một tập thể sống như bù nhìn, dù có ấm no đủ đầy thì cái giá phải trả theo mình vẫn quá đắt. Để rồi khi nó ăn sâu vào trong tận gốc rễ, có muốn đấu tranh thay đổi thì cũng quá muộn rồi.

Đó là cách họ sống. Là cuộc sống được tạo ra cho họ, cũng là cuộc sống của cậu nữa, nếu cậu không được lựa chọn làm người kế tục ta.

Người truyền ký ức

Và khi cái bộ mặt đen tối của cái cộng đồng này được lộ diện, mọi thứ trở nên tồi tệ cho cả nhân vật chính lẫn người đọc. Cái mà chúng ta, đã được tác giả cảnh báo trước, giờ đã hiện rõ ra. Họ dùng tội ác để thanh trừng tội ác. Những thứ thừa thãi đều bị loại bỏ: kẻ phạm sai lầm phải bị trừng phạt (dù tội có nhỏ), người già khi đã trở thành gánh nặng thì phải ra đi hay đứa trẻ nào quá dị biệt cũng sẽ bị triệt tiêu. Vậy đó có còn là bình đẳng hay không, hay là sự ích kỷ của một tập thể, đúng hơn là một số người tự cho rằng cái hướng đi của mình là đúng. Kiểu như không thay đổi được thì mình cấm luôn, chẳng cần thỏa hiệp hay du di chi cho mệt.

Nam chính thế này mà không xem phim cũng uổng (nguồn: The Giver Movie)

Rất may vẫn còn hy vọng cho Jonas, và có thể là những người dân cho cộng đồng. Cái kết của truyện có phần hơi gấp rút và hụt hẫng, mọi kế hoạch và cả hành động của nhân vật chính chỉ diễn ra chóng vánh trong 4 chương (trên tổng 23 chương nha), nhưng nó như một tia sáng, lấp ló qua cái bầu trời ảm đạm. Truyện khép lại với một cái kết mở, số phận nhân vật bị bỏ lửng, để cho chúng ta tự suy diễn. Mình thì không thích kiểu tự đoán nên đã lên mạng tìm hiểu, phát hiện ra cuốn này là phần đầu cho series 4 tập truyện lận, nên cái kết tạm gọi là có hậu nha. Hiện tại ở Việt Nam chỉ có phát hành mỗi cuốn Người Truyền Ký Ức thôi, còn 3 phần kia chưa thấy tung tích, và có vẻ cũng kém nổi hơi cuốn đầu rất nhiều. Mình còn biết truyện đã được chuyển thể thành phim nên sẽ tìm xem thử là có truyền tải được hết cái thế giới trong sách không.

Hy vọng các bạn sẽ thích bài review trên, và nhớ Like cũng như Chia sẻ bài viết này đến nhiều người khác nhé.

Link mua sách: https://shorten.asia/GfDURAyg

You may also like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *