Hello Beauties,
Dạo gần đây chắc chúng ta, những người suốt ngày lướt Facebook và năng nổ tham gia các group cộng đồng, chắc ít nhiều đã nghe qua thuật ngữ “seeding”. Khác với ý nghĩa có vẻ là liên quan đến trồng trọt, thì đây là một chiến dịch hẳn hoi, được áp dụng rộng rãi trong digital marketing. Nói nôm na, seeding là “gieo mầm” 1 cái thông tin cho người tiêu dùng, và mục đích cuối cùng là để họ quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ hay bất cứ cái gì mà người đi seed (gọi là seeder) hướng tới. Nhưng dạo gần đây, có lẽ các marketer nói chung đang hơi lạm dùng cái hình thức này quá đà, thành ra bây giờ khi đọc bất kỳ 1 bài review nào, mình đều cảm thấy nghi ngờ, chắc là do bệnh nghề nghiệp. Hãy cùng Isa tám nhảm một tí về hiện trạng seeding đang rất là bùng nổ ở trên MXH thông qua bài viết này nhé.
Seeding Là Gì?
Với các bạn ngoài ngành, trước hết mình cũng nên giải thích sơ sơ về thuật ngữ seeding này. Theo trang Hubspot, định nghĩa của từ này có thể hiểu như sau:
Content seeding là một chiến lược trong đó người tạo nội dung (bản thân nhãn hàng hoặc agency) truyền tải nội dung của thương hiệu trên nhiều nền tảng khác nhau, chẳng hạn như hợp tác với người có ảnh hưởng để quảng cáo sản phẩm trên phương tiện truyền thông xã hội.
Tất nhiên, ngoài hợp tác với người nổi tiếng hay các influencer, thì các thương hiệu còn có thể “gieo mầm” thông qua những cuộc tranh luận trên các group nổi tiếng trên Facebook, đặt bài đăng từ các Fanpage lớn,… nói chung là rất nhiều cách. Vì là một chiến dịch marketing, nên seeding cũng đòi hỏi đầu tư về tiền bạc, thời gian và cả nhân lực. Không bất ngờ nếu họ có cả một kịch bản hoàn hảo để chạy cái chiến dịch này thành công. Mình sẽ làm một cái ví dụ đơn giản thế này.
“Một ngày đẹp trời, bạn Influencer A lên 1 video review về sản phẩm B từ hãng C mà chị mới khám phá (có thể gắn tag tài trợ hoặc không). Sau đó, nhanh chóng trên group D nổi tiếng đông thành viên liền xuất hiện các bài đăng hỏi về sản phẩm B đó, tạo tính tò mò cho cộng đồng. Hấp dẫn hơn là bên dưới những bài đăng sẽ có rất nhiều bình luận chia sẻ cảm nghĩ nhiệt tình, và đa phần là khen lên tận trời. Và mình, một đứa không hiểu mô tê gì, khi đọc thấy những bình luận đó thì bắt đầu lên Google tìm hiểu. Và ô kìa, bạn Influencer A nổi tiếng vậy mà còn dùng thì tội gì mình không mua.”

Đại khái là vậy nhưng các bạn có thể hiểu được concept của một chiến dịch seeding rồi đúng không. Tất nhiên là nhãn hàng không tội tình gì chỉ book mỗi một bạn influencer, mà sẽ chơi 1 gói 2-3 bạn và 4-5 fanpage để tăng độ phổ biến. Thế nên đôi lúc, chắc bạn sẽ thắc mắc là không biết mắc cái gì mà đi đâu cũng thấy nhắc tới cái sản phẩm B đó, và với cái tính FOMO (sợ bị bỏ rơi) mà đa phần chúng ta đều mắc phải thì sẽ bắt đầu tò mò và tìm hiểu về nó liền.
Vì Sao Seeding Làm Ta Mất Niềm Tin?
Lưu ý: nội dụng bên dưới sẽ hơi thô – không phô, nhưng rất thật.
Một khi đã seeding, bạn sẽ không bị giới hạn về nội dung seed (sản phẩm, dịch vụ, hay cả 1 cái thương hiệu luôn), hình thức để đi seed và cả seeder nữa. Ai cũng có thể trở thành người “gieo mầm”, từ người nổi tiếng, chủ một fanpage đến cả thành viên của group đều là những ứng cử viên sáng giá. Và vì thế, chúng ta khó có thể phát hiện được, đâu là review thật, đâu là họ đang seeding. Ngay cả bản thân mình, lâu lâu đọc một bài review quá có tâm trên mạng cũng tò mò tính mua thử, nhưng với bản tính hay nghi ngờ, mình liền tìm review của sản phẩm trên các web uy tín nước ngoài, cuối cùng lại toàn thấy chê. Vậy là đủ hiểu rồi.

Ngoài ra, có vẻ hiện nay các hãng đang lạm dụng seeding quá đà, khiến cho mình bị bội thực. Mình lấy ví dụ dễ hình dung nhất đó chính là các bộ phim Việt Nam. Nếu như trước đây mình luôn chê phim Việt vì độ nhảm và thiếu chỉn chu của nó, trừ những trường hợp đặc biệt như Để Mai Tính, thì hiện tại mình đã bắt đầu mở lòng hơn với điện ảnh nước nhà. Dạo gần đây, trung bình mỗi năm sẽ có tầm 40 bộ phim Việt Nam ra rạp, và tất nhiên không phải bộ nào cũng hay, nên mình phải cần đến những trang review phim để tìm cho mình một bộ phim vừa ý. Well, rất buồn rằng sau khi đọc những dòng review đó, mình lại càng có ác cảm hơn vì đa phần chỉ toàn thấy khen, mà lại còn lố nữa thì ai mà tin cho được. Đến cái phim Kiều nó dở thảm hại vậy mà vẫn có những fanpage nhắm mắt để khen cho được. Mình cũng xin bái phục luôn. Khủng khiếp hơn là có 1 dàn nick clone cũng bình luận khen nhiệt tình bên dưới, có vài cái đọc mà mình cảm động suýt mua vé ra rạp xem thật. Còn nếu bạn dám bình luận chê phim dở, họ sẵn sàng tấn công, gây war để vùi dập ngay lập tức. Mình không đồng tình với kiểu truyền thông bất chấp như vậy, quá bẩn, thiếu công bằng và lừa gạt người tiêu dùng.
Mình sẽ không nói tới việc các ngôi sao PR cho những nhãn hàng mà họ chưa bao giờ dùng vì trên truyền hình đã nói khá nhiều rồi. Nói chung đọc gì, nghe gì cũng phải tỉnh táo thôi, vì cuối cùng chúng ta mới là người bỏ tiền ra mà.
Vậy Cứ Seeding Là Xấu À

Bản thân công cụ không xấu, tất cả là do người dùng sai mục đích (câu này chôm ở đâu không nhớ nữa). Mình thật ra cũng nhiều lần đi seeding cho trang blog trên các group để mong kéo thêm traffic. Tất nhiên, với một sản phẩm mới, để lấy được sự quan tâm, seeding đóng vai trò rất lớn và có khi còn rẻ nữa nếu bạn khéo léo dùng. Có rất nhiều lần mình tìm được 1 sản phẩm vừa ý nhờ những bài review trên mạng, thế nên không phải bài seeding nào cũng là xấu. Tuy nhiên, cũng nên bình tĩnh trước những thông tin mà mình tiếp thu. Như mình đã nói, chúng ta là người mất tiền, nên trước khi chi bất cứ cái gì, đặc biệt là đồ có giá trị cao hoặc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, cũng nên tìm hiểu thật kỹ. Có một số cách mà mình hay làm như sau:
- Tham khảo nhiều nguồn, tuy cũng khó nếu hãng đó mạnh, nhưng có thể lên những trang bán hàng lớn, đọc review của những người mua bên dưới. Tìm hiểu thông tin trên các trang nước ngoài, xem review của những youtuber/blogger chưa nổi (giống mình) để có cái nhìn khách quan hơn.
- Nếu bên dưới bài đăng mà có nhiều nick clone xúm vào tung hô chung, hoặc đi tranh cãi với những ý kiến trái chiều thì 99,9% đây là bài seeding.
- Không nghe, không thấy và không tin. Chỉ mua những thứ mà mình thích chứ không phải vì người ta xúi, vì vừa mất tiền mà còn đi ôm thêm cục tức nữa.
Vậy nha, chúc các bạn không bị gieo trúng mầm ôi trên mạng. Cứ chọn lọc thật kỹ thông tin trước khi ghi nhận, còn không thì cứ đa nghi giống như mình vậy nè, cảnh giác mọi lúc mọi nơi. Nhớ Share và Like thật nhiệt tình nha.
Đây là bài viết nằm trong chuỗi thử thách Daily Blog của mình, xem tất cả tại đây.