5 Bộ Phim Tài Liệu Đáng Xem Trên Netflix

Hello Beauties,

Có một quãng thời gian Isa cực kỳ mê phim tài liệu, xem liên tục mấy bộ không thấy chán. Khác với suy nghĩ của nhiều người, phim tài liệu vẫn mang tính chất giải trí, đầy đủ yếu tố kịch tính để cuốn hút người xem. Hơn nữa. chủ đề của những bộ phim này cũng rất đa dạng. Isa đặc biệt thích thể loại True Crime (dựa theo những vụ án có thật), nếu gặp biên kịch tốt, đảm bảo sẽ mang lại vô số bất ngờ. Trong bài viết này, Isa xin giới thiệu đến các bạn 5 bộ phim tài liệu trên Netflix mà mình thích nhất. Lưu ý là thứ tự được mình sắp xếp ngẫu nhiên và tổng hợp từ nhiều thể loại khác nhau nhé.

Explained

Được sản xuất bởi VOX Media, một cổng thông tin mà mình cực kỳ thích, chuyên giải thích cặn kẽ những vấn đề nóng hổi hiện nay và cho chúng ta một cái nhìn bao quát nhất. Series Explained ra đời đúng với tinh thần đó, với mỗi tập phim sẽ khai thác về một đề tài khác nhau. Độ dài cho mỗi tập chỉ từ 15 tới 25 phút nên lượng kiến thức cũng khá là cô đọng, đủ để chúng ta nắm được những thông tin quan trọng.

Tất nhiên là không phải tập phim nào cũng hay hoặc hứng thú, Isa chỉ lựa xem những chủ đề mà mình quan tâm như K-Pop (ố dzè), Beauty, hay Cult (giáo phái)… Hiện tại thì series Explained chỉ mới có 2 season, kèm theo đó là những mini series về một vấn đề cụ thể, ví dụ gần đây nhất là Explained: Coronavirus hay Explained: Money.

Series tương tự: History 101- lược sử về một số vấn đề hay sự kiện như nữ quyền, thức ăn nhanh,…

Don’t F**K with Cats: Hunting An Internet Killer

Thuộc thể loại True Crime, Don’t F**k with Cats hội tụ đủ mọi yếu tố li kì, giật gân không thua gì một bộ phim điện ảnh. Mở đầu series là một cuộc truy lùng trên mạng xã hội để tìm kiếm tên giết “mèo” biến thái, đã thế còn đăng những đoạn ghi hình quá trình tra tấn dã man lên mạng. Cứ sau mỗi clip thì độ tàn nhẫn càng tăng lên, khiến cho cộng đồng mạng đứng ngồi không yên, lập hẳn một cái group trên Facebook để điều tra danh tính hắn. Họ lần mò tung tích của hung thủ thông qua những thông tin tìm thấy trong video, có thể là tiếng xe lửa, nhãn hiệu của chiếc máy hút bụi,… Sau bao lần điều tra bất thành, tưởng chừng mọi thứ bị dồn vô ngõ cụt, thì tên tội phạm lại xuất hiện, và lần này là với một kế hoạch giết người, tinh vi và máu lạnh hơn.

“Did we feed the monster or did we create it?” là câu kết cho bộ phim này, cũng là câu hỏi để người xem phải suy ngẫm. Không chỉ dừng lại ở yếu tố trinh thám hấp dẫn, bộ phim còn phản ánh được mặt trái của mạng xã hội, nơi những con người “vô danh” thỏa sức buôn ra những lời cay nghiệt khiêu khích hung thủ, nuôi dưỡng cái ác trong hắn.

Series tương tự: Murder Among the Mormons – cũng thuộc thể loại True Crime với cái kết được cua khét lẹt không kém.

The Social Dilemma

Một bộ phim tài liệu làm mình cực kỳ bất an dù chẳng hề có yếu tố kinh dị nào. Chính những sự thật được kể tên và vạch trần từ những người trong cuộc khiến mình phải hoảng hồn rồi nhận ra mình đã phụ thuộc vào công nghệ quá nhiều. Việc Google và Facebook tự do thu thập và sử dụng thông tin của người dùng không còn khiến chúng ta bất ngờ nữa. Nhưng dù có biết thì cũng chả cách nào phản kháng được, vì nếu muốn thoát khỏi chỉ còn cách là sống như người tối cổ, dẹp hết internet trong nhà thôi.

Phim giải thích những lý do khiến chúng ta “nghiện” smartphone nói chung và mạng xã hội nói riêng, phân tích những hậu quả hiện hữu trước mắt cũng như dự đoán cho tương lai. Xen kẽ đoạn phỏng vấn từ những người làm trong lĩnh vực công nghệ là một “bộ phim” minh họa tác hại của internet đối với những thành viên trong gia đình thuộc 3 thế hệ: baby boomer, millennial và gen Z. Mỗi người sẽ bị internet thao túng theo một cách khác nhau, và điều đáng sợ là chúng ta có thể thấy được chính bản thân cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự.

Hãy xem để hiểu và thức tỉnh. Giống như Tristan Harris – chủ tịch kiêm đồng sáng lập Trung tâm Công nghệ nhân đạo và từng là nhà đạo đức thiết kế ở Google, đã nói trong phim: “How do you wake up from the matrix when you don’t know you in the matrix?”.

Series tương tự: The Great Hack – khám phá thế giới đen tối của việc khai thác dữ liệu khách hàng có thể gây ảnh hưởng đến quyết định của họ trong chiến dịch Brexit của Anh và cuộc bầu cử năm 2016 tại Mỹ.

Tidying Up with Marie Kondo

Nãy giờ có hơi so deep nên tiếp tục nhẹ nhàng với series “Dọn dẹp cùng Marie Kondo” nào. Bộ phim tài liệu này đã tạo động lực để mình trở nên gọn gàng hơn và mạnh dạn tối giản hóa tủ đồ của mình. Nếu các bạn đã từng đọc qua cuốn sách “Nghệ thuật bài trí của người Nhật” thì chắc sẽ quen thuộc với phương pháp dọn dẹp KonMari được chính Marie Kondo phát minh ra. Cuốn sách cho chúng ta thấy một góc nhìn rất khác về chuyện dọn dẹp nhà cửa, không chỉ đơn thuần là một công việc chán ngắt mà nó còn có thể tác động đến cách chúng ta suy nghĩ. Tuy nhiên, với một cuốn sách toàn chữ, quả thật rất khó để các bạn hình dung rõ ràng phương pháp của cô. Với series Tidying up with Marie Kondo, bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể cách thực hiện, từ việc phân loại đến cách gấp quần áo,… rất trực quan và dễ áp dụng.

Mỗi tập của series tương ứng với mỗi hoàn cảnh khác nhau, và bạn có thể chọn tập phim nào gần giống với không gian sống hiện tại của bản thân để làm theo. Nói chung đa phần các tập đều tương tự nhau, vì thế bạn chỉ cần xem 1-2 tập làm đủ nắm hết rồi.

Series tương tự: Minimalism: A Documentary About the Important Things – nội dung hơi dài dòng nhưng sẵn dọn dẹp rồi thì mình sống tối giản luôn.

Absurd Planet

Một series tài liệu về thế giới động vật siêu bựa, xem mà bò lăn bò càng. Được lồng tiếng bởi mẹ Thiên Nhiên vui tánh, dẫn dắt chúng ta đi khám phá muôn loài. Phim có mấy bài hát chế cũng vui tai, kèm theo mấy câu “hài nhảm” về động vật, hiểu được thì cũng thấy mắc cười. Thêm cái là mấy con vật ở trỏng cũng được lồng tiếng và nhân hóa rất sinh động. À, chống chỉ định xem series này trong lúc ăn vì có một số đoạn hơi tởm, và dễ bị sặc cơm do cười quá nhiều.

Thật ra không biết nói gì nhiều về Absurd Planet vì nó cũng như đa phần các phim tài liệu về động vật, chỉ có mỗi cái là hài hước hơn thôi. Bạn nào thích kiểu bựa bựa thì có thể xem thử.

Series tương tự: tất cả những bộ phim tài liệu khác về thế giới động vật trên Netflix.

Hy vọng các bạn sẽ thích những gợi ý trên của mình. Nhớ Like và Share để ủng hộ mình nha.

Đây là bài viết nằm trong chuỗi thử thách Daily Blog của mình, xem tất cả tại đây.

You may also like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *