Nỗi Ám Ảnh Mang Tên Làn Da Trắng

Hello beauties,

“Làm trắng” hay “dưỡng trắng” chắc chắn là từ khóa quá quen thuộc với hội chị em rồi. Chúng ta dưỡng da ngoài việc điều trị những vấn đề như mụn hay lão hóa thì cái đích đến cuối cùng vẫn là để sở hữu một làn da trắng sáng mịn màng. Hơn nữa, xu hướng dưỡng da hiện tại ở Việt Nam ảnh hưởng khá nhiều từ Hàn và Nhật, nơi làn da trắng rất được tôn vinh. Vậy cái nỗi ám ảnh này thật sự bắt nguồn từ đâu, có phải là vì những mẫu quảng cáo đang ngày ngày bủa vây chúng ta, hay nó còn sâu xa hơn thế nữa. Cùng Isa tìm hiểu nhé.

Lịch sử về làn da trắng

Chẳng riêng gì Việt Nam, phụ nữ châu Á nói chung đa phần đều bị “áp lực” phải trắng. Có một nghiên cứu được đăng tải trên tập san Advances in Consumer Research vào năm 2008 đã chỉ ra rằng: suy nghĩ “da trắng là chuẩn mực của cái đẹp” xuất hiện tại các nước châu Á là do ảnh hưởng từ chế độ đô hộ của phương Tây. Chủng tộc da trắng được coi là thượng đẳng, còn chủng tộc da đen với thân phận nô lệ, là giai cấp thấp nhất. Niềm tin rằng làn da trắng đồng nghĩa với quyền lực và sắc đẹp dần hình thành, rồi được truyền từ đời này sang đời khác tại châu Á.

Ngoài ra, tại một số quốc gia như Nhật hay Trung Quốc, từ thời phong kiến, màu da cũng đã được lấy ra làm thước đo quyết định địa vị xã hội. Chỉ có giới quý tộc mới sở hữu được làn da trắng nõn mịn màng, bởi họ không cần phải cực khổ làm việc ngoài đồng. Vì thế, phụ nữ từ thời xa xưa đã bắt đầu tìm cách để giúp làn da của họ trắng hơn. Ngoài việc hạn chế đi nắng, họ còn sử dụng rất nhiều món ăn, bài thuốc hay những loại kem quý giá để phục vụ cho mục đích dưỡng nhan.

Nỗi Ám Ảnh Về Làn Da Trắng

Một cuộc khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy gần 40% phụ nữ (trong số những người được thăm dò ý kiến) ở các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc cho biết họ thường xuyên sử dụng các sản phẩm làm trắng. Tại Việt Nam, nhu cầu mua các sản phẩm dưỡng trắng da vẫn tăng đều theo từng quý, chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Khi bước chân vào một cửa hàng làm đẹp, bạn không khó để bắt gặp một quầy hàng dành riêng cho danh mục dưỡng trắng. Bất ngờ hơn khi đến cả những sản phẩm với công dụng làm sạch như sửa rữa mặt hay toner cũng được lồng ghép thêm chức năng “brightening” nhằm tăng thêm doanh thu.

So sánh từ khóa tìm kiếm giữa da trắng và da ngăm tại Việt Nam và Mỹ (nguồn: Google trend)

À, tất nhiên không thể nào bỏ qua thị trường kem trộn tắm trắng cực kỳ sôi nổi ở Việt Nam rồi. Việc sở hữu một làn da trắng như sứ chưa bao giờ dễ dàng như vậy, chỉ cần thoa 1 lớp kem cực mỏng lên da là đã thấy được sự khác biệt rõ rệt. Tuy nhiên, các loại kem làm trắng cấp tốc đều chứa thành phần corticosteroid giúp đem lại hiệu quả trắng sáng tạm thời, nhưng corticosteroid cần được dùng theo đơn thuốc chỉ định của bác sĩ vì tác dụng phụ của thành phần này là vô số kể. Dù nhiều lần được các chuyên gia cảnh báo về độ nguy hiểm và có thể gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe, các loại kem trộn tắm trắng vẫn được săn đón nhiệt tình và ngày càng có nhiều nạn nhân hơn. 

Những quảng cáo thế nào không khó để bắt gặp (nguồn: Ritana

Sẽ thật thiếu xót nếu bỏ qua các phương tiện truyền thông, vẫn hằng ngày lan truyền thông điệp “tích cực” của làn da trắng đến chúng ta. Ngay từ khi Isa còn nhỏ, trên tivi đã liên tục chiếu quảng cáo của những loại mỹ phẩm hứa hẹn mang lại “làn da trắng hồng tự nhiên”. Nội dung của các kiểu TVC đó thường bắt đầu với hình ảnh một cô gái đen đúa, buồn bã và thất bại, sau đó cô ta sẽ dùng sản phẩm A, B, C của nhãn hàng, rồi đột nhiên trở nên trắng sáng hơn, xuất hiện đầy tự tin và quyến rũ. Thử hỏi nếu cứ suốt ngày đọc/xem/nghe những bài quảng cáo như vậy thì làm sao chúng ta không “sợ đen” và “thích trắng” cho được.

Vậy Thế Nào Mới Là Làn Da Đẹp

Before và after, mà after không thèm chỉnh filter luôn ^^

Nói thật là mình không biết. Mỗi người đều có một định nghĩa về cái đẹp riêng, được định hình khác nhau. Nhưng thay vì chạy đua theo những chuẩn mực hay thước đo xa vời, mình nghĩ chúng ta trước tiên phải nên hiểu và chấp nhận làn da của bản thân trước đã. Isa tuy chưa bao giờ tìm cách để da của mình trắng sáng như sứ, hay trắng hồng rạng rỡ, nhưng khi mình thấy tông da hiện tại có vẻ sáng hơn hồi xưa (lúc chưa biết skincare là gì) thì vẫn thấy thích thích. Dĩ nhiên để mà đạt tới trình trắng như Ngọc Trinh thì vẫn còn thua xa lắm. Mình chẳng có gì khó chịu với làn da này cả, miễn sao mình vẫn tìm được màu kem nền phù hợp với nó là được. Cái mình thật sự lo lắng là dạo này da đang gặp tình trạng không đều màu, hay lâu lâu cứ nổi mụn li ti, đó mới chính là lý do để mình chăm dưỡng da hơn. Các bạn hãy tìm cho mình một hình mẫu về làn da đẹp, có thể là mịn màng như da em bé, căng bóng như bánh mochi hay chỉ đơn giản là “xử đẹp” được hết lũ mụn khó ưa là đủ rồi. Hãy dưỡng da để đạt được điều đó, chứ đừng cố thay đổi bản chất của làn da để chạy theo số đông nha.

Hai biểu tượng sexy của Hàn Quốc với làn da bánh mật khỏe khoắn

Tại xứ sở tôn vinh làn da trắng như Hàn Quốc, có những sao nữ sở hữu làn da ngăm đen nhưng vẫn trở thành biểu tượng đại chúng, đó là Lee Hyori, Hwasa (Mamamoo) hay Hyorin. Thay vì chạy theo số đông, họ biến những cái “khác chuẩn” thành điểm mạnh của bản thân, có khi còn trở thành xu hướng mới nữa. Một điểm sáng nữa là hiện nay đa phần các nhãn hàng mỹ phẩm lớn từ Âu Mỹ như L’oreal, P&G và Uniliver đã quyết định loại bỏ hoặc đổi tên các sản phẩm có công dụng “làm trắng”. Trước vấn nạn phân biệt chủng tộc đang khá căng thẳng hiện nay, hành động này theo mình là rất thiết thực. Suy cho cùng, chuẩn mực cái đẹp đang dần trở nên toàn cầu hóa hơn, không sớm thì muộn cái suy nghĩ cần phải trắng của phụ nữ Á Đông dần dần có thể được thay đổi.

Bài viết này được dựa theo bài viết "Vì sao phụ nữ Châu Á lại ưa chuộng làn da trắng sáng?" của mình đã đăng trên trang Her.vn.

You may also like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *