6 Thành Phần Hoạt Tính Thông Dụng Trong Mỹ Phẩm

Hello beauties,

Thành phần hoạt tính (active ingredient) không còn là một khái niệm xa lạ. Hiện nay, không khó để tìm mua những sản phẩm đặc trị có chứa thành phần hoạt tính. Tất nhiên, tùy thuộc vào vấn đề mà da đang mắc phải, bạn sẽ cân nhắc đến một thành phần cụ thể để giúp cải thiện được vấn đề đó. Hãy cùng tìm hiểu 6 thành phần hoạt tính mà bạn thường gặp trong mỹ phẩm nhé.

Thành Phần Hoạt Tính Là Gì?

Thành phần hoạt tính là những thành phần có trong mỹ phẩm, giúp giải quyết các vấn đề về da mà sản phẩm hướng đến. Chúng là những thành phần đã được khoa học chứng minh là thực sự hiệu quả, với những công dụng như cải thiện dấu hiệu lão hóa, điều trị mụn hoặc làm đều màu da… Tiến sĩ Peterson Pierre, bác sĩ da liễu và là người sáng lập Viện chăm sóc da Pierre ở Thousand Oaks, California đã chỉ ra rằng thông thường, thành phần hoạt tính sẽ ở vị trí từ một đến năm trong bảng thành phần. Nếu các hoạt chất không được liệt kê ở các thành phần đầu tiên thì chúng sẽ không có tác dụng nhiều. Vì thế, trước khi chi tiền cho bất kỳ sản phẩm tinh chất huyết thanh nào, cần phải đọc kỹ bảng thành phần, để biết liệu nó có thực sự hiệu quả như được quảng cáo.

Thành Phần Hoạt Tính Thông Dụng Trong Mỹ Phẩm

Hyaluronic Acid

Hyaluronic Acid (HA) là một phân tử được tìm thấy trong da và các mô liên kết trong cơ thể bạn. Nó liên kết với nước để giúp giữ ẩm cho các khớp, dây thần kinh, tóc, da và mắt của chúng ta. Tuy nhiên, quá trình lão hóa hay tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím từ mặt trời, khói thuốc lá và ô nhiễm có thể làm giảm lượng HA trong da.

Rất ít thành phần hoạt tính có thể giúp bạn đạt được mức độ dưỡng ẩm cao như HA. Theo nhà hóa mỹ phẩm Ginger King, chủ sở hữu công ty phát triển sản phẩm Grace Kingdom Beauty, HA có thể hút ẩm từ không khí và giữ ẩm cho làn da của bạn, khả năng “ngậm nước” gấp 1000 lần trọng lượng của chính nó. Vì thế, nó không chỉ cấp ẩm, mà còn có khả năng giữ nước cho da cực tốt.  Sử dụng sản phẩm dưỡng da có chứa hoạt chất HA sẽ giúp tái tạo lại độ ẩm trên da, tránh được tình trạng khô rát hoặc bong tróc.

Hiện nay vẫn chưa có những phản ứng phụ tiêu cực nào xảy ra khi sử dụng HA, có thể nói nó an toàn cho mọi loại da, và đặc biệt hiệu quả đối với những người có làn da khô. Sau khi dùng sản phẩm có chứa HA, bạn nên nhớ phải dùng thêm kem dưỡng có thành phần khóa ẩm (Petroleum, Mineral Oil, Dimethicone,…) để tránh tình trạng mất nước trên da. 

Vitamin C

Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, cần thiết cho sự phát triển và phục hồi của các mô (bao gồm da). Tuy cơ thể chúng ta không thể tự sản sinh ra Vitamin C, nhưng có thể cung cấp thông qua dinh dưỡng từ các loại trái cây hay rau quả. Với các sản phẩm chăm sóc da, chẳng hạn như kem dưỡng ẩm, toner hay tinh chất huyết thanh, bạn sẽ tìm thấy Vitamin C trong bảng thành phần với cái tên là L-ascorbic acid hay ascorbic acid. Đó là dạng nguyên chất của Vitamin C, có hoạt tính sinh học cao nhất và được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất. 

Công dụng của Vitamin C đối với làn da của chúng ta là vô số kể. Là một chất chống oxy hóa, một trong những chức năng chính của Vitamin C là bảo vệ da khỏi những tác nhân từ môi trường như ô nhiễm, khói thuốc hay tia cực tím. Các tác nhân trên sẽ tạo ra gốc tự do trên da, từ đó sẽ tàn phá làn da, gây hại cho tế bào, thúc đẩy da xỉn màu, nếp nhăn và thậm chí là ung thư. Vitamin C sẽ trung hòa các gốc tự do đó và loại bỏ chúng ra khỏi da.

Đa phần các bác sĩ da liễu đều khuyên rằng bạn nên thoa Vitamin C vào buổi sáng để đạt hiệu quả tốt nhất, nhưng cần phải chống nắng thật kỹ sau đó. Khi áp dụng Vitamin C trong quy trình dưỡng da, bạn không nên dùng chung với các thành phần hoạt tính như AHAs, BHAs hay PHAs để tránh bị kích ứng trên da. Bạn có thể chia ra dùng cách ngày hoặc thoa Vitamin C vào buổi sáng, rồi sử dụng sản phẩm có các thành phần trên vào ban đêm. Để bảo quản Vitamin C tốt nhất, bạn nên cất sản phẩm trong môi trường mát mẻ, không được để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc ngoài không khí quá lâu.

Niacinamide (Vitamin B3)

Niacinamide, còn được gọi là nicotinamide, là một dạng của vitamin B3. Tương tự như Vitamin C, tuy là một chất thiết yếu, cơ thể chúng ta lại không tự tổng hợp được vitamin B3, và phải được cung cấp bằng thực phẩm. 

Về công dụng của Niacinamide, bác sĩ phẫu thuật da liễu Jennifer Herrmann đã chỉ ra rằng, Niacinamide giúp phục hồi năng lượng tế bào, sửa chữa ADN bị hư hỏng và giảm tác động của tia UV do ánh nắng mặt trời gây ra trên da. Tinh chất này đã được chứng minh là có thể ngăn chặn sự chuyển giao sắc tố bên trong da, có thể giúp làm giảm các đốm nâu. Các công dụng nổi trội khác của Niacinamide có thể kể đến như giúp chống viêm, thúc đẩy hình thành keratin (một loại protein giữ cho làn da của bạn săn chắc và khỏe mạnh), thu nhỏ lỗ chân lông và củng cố hàng rào bảo vệ cho da. Bạn có thể dùng các sản phẩm serum có chứa Niacinamide vào cả sáng và chiều, và thoa chung được với các thành phần hoạt tính khác.

Retinol (Vitamin A)

Retinol là một chất chống oxy hóa được làm từ vitamin A. Bác sĩ da liễu Maryann Mikhail, thành viên của Học viện Da liễu Hoa Kỳ, đã giải thích cơ chế hoạt động của retinol trên da như sau: “Để thành phần hoạt tính này thực sự đạt hiệu quả trên da, retinol phải trải qua hai bước, được chuyển đổi thành retinaldehyde, và sau đó thành retinoic acid. Khi đó, chúng sẽ đi sâu vào bên dưới da, tới lớp hạ bì và phát huy công dụng tại đó.” 

Khi đã thẩm thấu vào sâu trong da, retinol giúp trung hòa các gốc tự do để thúc đẩy sản xuất elastin và collagen, làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn và lỗ chân lông to. Đồng thời, nó có tác dụng tẩy tế bào chết trên bề mặt da, có thể cải thiện kết cấu và tông màu da. Bạn cũng có thể dùng Retinol để điều trị mụn trứng cá nặng và sẹo trên mặt.

Bác sĩ da liễu Mikhail cũng chỉ ra rằng “tác dụng phụ của retinol là có thể làm khô, bong tróc và gây kích ứng cho da. Phụ nữ đang mang thai, có kế hoạch hoặc cho con bú không nên sử dụng retinol.” Bạn nên dùng serum có tinh chất Retinol vào ban đêm, và cần chống nắng thật kỹ vào hôm sau. Tránh sử dụng chung với các sản phẩm tẩy da chết, hoặc sản phẩm có chứa các thành phần như Vitamin C, AHAs, BHAs hay PHAs. Nếu mới sử dụng Retinol, hãy bắt đầu bằng cách dùng 1 lần một tuần, rồi tăng dần từ 2-3 lần khi da đã quen với sản phẩm.

Alpha Hydroxy Acids (AHAs)

Alpha Hydroxy Acids (AHAs) là một nhóm các hợp chất axit, thường có nguồn gốc từ thực vật, được tìm thấy trong đường hữu cơ, sữa và trái cây có đường. Đa phần các dạng AHAs được sử dụng trong thành phần dưỡng da đều có cơ chế hoạt động giống nhau, nhưng chúng khác nhau về kích thước và khả năng xâm nhập. Phân tử axit càng nhỏ thì sự thâm nhập càng sâu, do đó nó càng hiệu quả hơn. Sau đây là 2 dạng của thành AHAs mà chúng ta thường hay gặp trong bảng thành phần mỹ phẩm:

  1. Glycolic acid: có nguồn gốc từ mía, là phân tử nhỏ nhất nên nó có thể thẩm thấu vào sâu bên trong da và phát huy công dụng ở đó. Hoạt động bằng cách loại bỏ các tế bào da chết, để lại làn da sáng và mịn hơn. Glycolic acid còn giúp thúc đẩy sản xuất collagen, cải thiện độ đàn hồi của da và giảm sự xuất hiện nếp nhăn. Phù hợp cho da thường, da hỗn hợp, da dầu.
  2. Lactic acid: có nguồn gốc từ sữa, phương thức hoạt động tương tự như Glycolic acid nhưng do các phân tử có kích thước lớn hơn một chút nên nó không đi sâu vào lớp hạ bì được, vì thế cũng sẽ dịu nhẹ hơn cho da. Ngoài khả năng tẩy da chết, Lactic acid còn cung cấp độ ẩm và cải thiện các vết sẹo hay vết sưng tấy do mụn trứng cá. Các bạn có làn da khô, nhạy cảm hoặc đang bị mụn trứng cá sẽ phù hợp với thành phần này. 

Bác sĩ da liễu Rachel Nazarian, thuộc Tập đoàn Da liễu Schweiger ở New York cho hay, “Hãy tìm kiếm nồng độ AHAs phù hợp với làn da của bạn. Lạm dụng hoặc sử dụng nồng độ quá cao có thể dẫn đến việc da bị kích ứng hoặc bị viêm, đồng thời có thể dẫn đến các bệnh lý da liễu khác như bệnh rosacea và bệnh chàm.” Bạn không nên sử dụng AHAs với các thành phần như Vitamin C hay Retinol vì sẽ gây kích ứng. Ngoài ra, AHAs sẽ làm cho da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng, vì thế phải luôn thoa kem chống nắng thật kỹ và dặm lại sau mỗi hai giờ. Nếu bạn mới lần đầu sử dụng AHAs, hãy chọn những sản phẩm có nồng độ dưới 10%, bắt đầu với 1 lần một tuần, rồi tăng dần khi da đã quen.

Beta Hydroxy Acids (BHAs)

Đây là một axit ưa dầu, có cấu trúc tương tự như AHA, nhưng chúng khác nhau ở vị trí của một nhóm hydroxyl. Salicylic acid (SA) là dạng BHA phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm chăm sóc da, được chiết xuất từ vỏ cây liễu, lá cây lộc đề hoặc vỏ cây bạch dương ngọt.

SA hoạt động bằng cách thâm nhập vào các lỗ chân lông để phá vỡ các liên kết, làm thông thoáng lỗ chân lông và giúp dầu nhờn dễ dàng thoát ra ngoài. Nhờ đó mà SA có thể thu nhỏ lỗ chân lông và giữ cho làn da luôn sạch sẽ từ bên trong. Thành phần này sẽ phù hợp với những bạn có làn da dầu, hay da hỗn hợp bị bóng nhờn nhiều ở vùng chữ T. Ngoài ra, một nghiên cứu vào năm 2013, được đăng tải trên tạp chí Skin Research & Technology số 19 đã chứng minh tính hiệu quả và an toàn khi sử dụng sản phẩm có chứa SA (nồng độ 1.5%) để giảm mụn trứng cá trên khuôn mặt, đặc biệt có hiệu quả nhất đối với mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình. 

Tuy không khiến cho da trở nên nhạy cảm với ánh nắng mặt trời như AHAs, bạn vẫn nên thoa kem chống nắng cẩn thận sau khi dùng BHAs. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm kết hợp cả hai thành phần AHAs và BHAs trong một, mang lại hiệu quả tối ưu cho làn da. Tuy nhiên, bạn không nên thoa hai thành phần này chồng lên nhau, bởi cả hai đều có tính tẩy da chết mạnh, sẽ khiến cho da bị khô rát và kích ứng. Một mẹo thường được các bác sĩ da liễu khuyên dùng đó là sử dụng kết hợp cho từng vùng của làn da, đặc biệt là với những bạn có làn da hỗn hợp. Hãy dùng AHAs trên vùng da khô và BHAs cho vùng da nhờn.

You may also like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *